Chuyện trò cùng Kevin Mitnick về hacker

TTO - Cùng Blog quanh ta gặp Kevin Mitnick, hacker từng được mệnh danh là tội phạm công nghệ nguy hiểm nhất mọi thời đại trong lịch sử Hoa Kỳ, cùng lắng nghe ông trải lòng về công việc của một tin tặc,“đạo đức nghề nghiệp” cũng như tương lai của ngành công nghệ.

Hacker "huyền thoại" Kevin Mitnick
Vào thời kỳ mà các thành viên của nhóm tội phạm mạng Anonymous bây giờ còn đang mặc… tã giấy, Kevin Mitnick đã trở thành nỗi kinh hoàng của không biết bao nhiêu điều tra viên FBI, để rồi kết cục nhận lãnh án biệt giam và cách ly với mọi loại máy tính. Giờ đây, khi đã hoàn lương và ngẩng cao đầu trên đường đời, tác giả của cuốn sách Bóng ma dây mạng (Ghost in the wires) chia sẻ với đám “hậu sinh” về quá khứ phong phú của mình, những gì ông rút ra khi bị xộ khám cùng đôi điều chia sẻ về các nhóm tin tặc hiện đại như Anonymous.
* Một phần lý do ông viết cuốn Bóng ma dây mạng có phải để đính chính cho những thông tin bị đồn thổi sai lệch về bản thân?
- Chính xác. Trước đó đã có đến ba cuốn sách viết về tôi, thậm chí người ta còn làm hẳn một bộ phim tựa là Take down nữa, buộc tôi phải đưa họ ra tòa, cuối cùng thì hãng phim cũng đồng ý thay đổi kịch bản, còn cuốn phim không bao giờ có cơ hội ra rạp. Chưa hết, một phóng viên tờ New York Times còn trắng trợn cáo buộc tôi đã hack vào NORAD năm 1983 để rồi suýt gây ra… thế chiến thứ III cùng nhiều lời vu cáo lố bịch khác. Trong khi sự thật thì làm gì có mấy chuyện đó?
Bìa cuốn Bóng ma dây mạng - Ảnh minh họa: Internet
Tóm lại, tôi cảm thấy bản thân phải có trách nhiệm kể lại cuộc đời mình để thiên hạ có cái nhìn đúng về con người tôi. Suy cho cùng tôi cũng khá giống nhân vật trong Hãy bắt tôi nếu có thể (Catch me if you can - bộ phim kể về một tội phạm thiên tài có thật mà FBI phải rất vất vả mới tóm được). Thử nghĩ mà xem, tôi cũng có đến 20 năm chơi trò mèo - đuổi - chuột với FBI, và những gì tôi đã làm hoàn toàn không phải vì tiền.
Sự thật là tôi đã phải làm đến gần chục công việc vào ban ngày chỉ để kiếm tiền phục vụ thú vui hack vào mỗi đêm. Với tài năng của mình tôi hoàn toàn có thể ăn cắp số thẻ tín dụng hoặc tài khoản ngân hàng, nhưng ranh giới đạo đức trong con người tôi không cho phép làm điều đó.
* Tin tặc đã trở thành đề tài nóng trong năm 2011, với sự xuất hiện của những nhóm tin tặc “mang hơi hướng chính trị” như Anonymous. Ông nghĩ gì về họ?
- Trước hết phải nhìn nhận “mặt tốt” - dĩ nhiên là theo cách tiêu cực -  trong những gì Anonymous làm được cho thế giới công nghệ: có rất nhiều công ty bất cẩn với hệ thống bảo mật của mình và giờ là lúc họ cần phải cải thiện điều đó.
- Cá nhân tôi không tin rằng những thông điệp chính trị mà Anonymous để lại sau mỗi vụ tấn công sẽ giúp thay đổi thế giới này. Điều duy nhất họ làm được là biến bản thân thành ưu tiên số một của hệ thống hành pháp. Điều này cũng giống y như việc tại sao FBI lại quá tức giận với tôi. Khi tôi là một kẻ đào tẩu và sống chui nhủi tại Denver, tôi đã biết trước việc FBI sẽ đến tóm mình bởi trước đó tôi đã… nghe lén điện thoại của họ. Thế là tôi dọn sạch sẽ đồ đạc, tang chứng và để lại một hộp bánh rán trong tủ lạnh, viết bên ngoài: “Bánh dành cho FBI”.
Thế là ngay ngày hôm sau họ liền ra lệnh truy nã tôi trên toàn quốc. Rõ ràng tôi đã làm cho FBI rất tức giận, đến nỗi họ còn bắt nhầm người, và vụ này đã gây nhiều tai tiếng trên khắp các mặt báo nước Mỹ thời bấy giờ. Cho nên khi cuối cùng FBI đã tóm được tôi, việc đầu tiên họ làm là… nện cho tôi một trận. Tôi trở thành ví dụ điển hình của một tội phạm mạng rằng dù các tin tặc có làm gì đi chăng nữa, hay có khôn ngoan tới mức nào, chắc chắn họ sẽ bị tóm.
Tôi chưa bao giờ hối hận về những trò hack của mình, nhưng tôi có hối hận về những thiệt hại mà hành vi hack của mình gây ra, và đây là hai phạm trù khác nhau.
* Ông nghĩ gì về sự phát triển của thế giới tin tặc hiện tại?
- Vấn nạn hack sẽ còn tiếp diễn mãi, bởi ngày càng xuất hiện quá nhiều thiết bị di động mới. Trước đây nhắc đến “hack” chỉ là đối với máy tính cá nhân, nhưng giờ đây các tin tặc còn đe dọa cả điện thoại di động, bất kể là Android hay iPhone. Giờ đây người ta đặt hết thông tin “sống còn” của bản thân vào những thiết bị đó, như hình ảnh cá nhân, chi tiết tài khoản ngân hàng, thư từ nhạy cảm…
Malware cũng ngày càng trở nên tinh vi, khi gần đây rộ lên trò hack và đánh cắp chứng thư bảo mật số. Tin tặc có thể cải trang chính chúng thành bất cứ cơ quan, đoàn thể nào để đánh lừa người dùng Internet.
* Ông có lời khuyên nào dành cho giới tin tặc ngày hôm nay?
Chân dung Kevin Mitnick - Ảnh minh họa: Internet
- Các bạn trẻ giờ đây có thể học một cách hợp pháp, đàng hoàng để trở thành một tin tặc, đây là điều không tưởng vào thời của tôi. Bây giờ các bạn có đủ loại giáo trình, khóa học, chi phí dành cho một hệ thống máy tính để thực hành cũng không còn quá đắt đỏ như trước kia. Thậm chí tôi còn biết có những trang được lập ra chỉ để cho thiên hạ… hack thỏa thích nhằm nâng cao kiến thức và kỹ năng.
Giờ đây mọi người có thể thoải mái thử sức trong vai trò tin tặc mà không cần thiết phải làm hại người khác hoặc tự chuốc vạ vào thân.
* Ông nghĩ gì về độ bảo mật trên Windows và Mac? Theo ông, hệ điều hành nào có độ bảo mật tốt nhất?
- Máy Mac kém bảo mật hơn, nhưng chúng lại không phải mục tiêu chính của tội phạm tin học, do thị phần không nhiều bằng Windows. Lý do duy nhất các bạn không nghe nhiều về việc máy Mac bị tấn công là do hệ điều hành này không được nhiều người sử dụng, do đó tội phạm cũng “lười” phát triển các “đồ chơi” độc hại dành cho nó. Trong tương lai nếu thị phần của máy Mac tăng lên, chúng ta chắc chắn sẽ chứng kiến nhiều vụ tấn công nhằm vào hệ máy này.
Về câu hỏi hệ điều hành nào đáng tin cậy nhất, tôi cho rằng đó là Chrome OS. Tại sao ư? Bởi vì bạn đơn giản chẳng thể làm gì với nó cả.
THÚY QUỲNH (trích lược từ Digital Trends)

Không có nhận xét nào: